VietnamPost: 5 năm vượt thử thách

5 năm sau chia tách Bưu chính – Viễn thông là 5 năm môi trường kinh tế cả trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường. Phấn đấu duy trì ổn định mạng lưới, phát triển các dịch vụ mới, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; cải tiến, đổi mới tổ chức quản lý, sắp xếp lại lao động; mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, bạn hàng; nâng cao hiệu quả của điều hành sản xuất kinh doanh...là những giá trị lớn mà VietnamPost bằng đã đạt được trong 5 năm qua những nỗ lực không mệt mỏi.

Tin học hóa hệ thống bưu cục đã góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ của

VietnamPost trong 5 năm qua

5 năm vượt thử thách

Nếu năm 2008 chênh lệch thu chi không bao gồm trợ cấp công ích là -1.286 tỷ đồng, thì năm 2009 giảm xuống còn -1.070 tỷ đồng, giảm lỗ 216 tỷ đồng, đạt mức giảm 16,5% so với năm 2008; con số đó năm 2010 còn - 941 tỷ đồng, giảm lỗ 129 tỷ đồng, đạt mức giảm 12,4% so với năm 2009. Năm 2011, giảm xuống -597 tỷ đồng, giảm lỗ 344 tỷ đồng, đạt mức giảm 36,5% so với năm 2010. Trong điều kiện môi trường kinh doanh cạnh tranh, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì đấy là những con số ấn tượng  cho thấy nỗ lực của một doanh nghiệp làm công ích trong lộ trình giảm dần chênh lệch thu chi. Những con số đó cũng cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của CBCNVC VietnamPost trong 5 năm qua để vươn tới “đích”: Cân bằng vào năm 2013 và có lãi vào các năm tiếp theo.

Hiện, VietnamPosst đã có nhiều dịch vụ mới được chia thành nhóm dịch vụ: Tài chính Bưu chính, Bưu chính chuyển phát, Viễn thông CNTT. Công tác phát triển thị trường, chăm sóc khách hàng được chú trọng hơn. Các dịch vụ công của Chính phủ được VietnamPost tiếp cận và tổ chức thực hiện với chất lượng và trách nhiệm cao. Đây sẽ là những dịch vụ tiềm năng, mang lại nguồn thu lớn trong tương lai như chi trả BHXH, chuyển phát Hộ chiếu, visa, CMTND...

Xác định công nghệ thông tin là chìa khóa để phát triển các dịch vụ, trong 5 năm qua, VietnamPost đã quan tâm và chú trọng hơn tới việc ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển hệ thống các phần mềm hỗ trợ quản lý và phát triển các dịch vụ. Số lượng các điểm phục vụ được online hóa ngày càng nhiều, là cơ sở để tập trung phát triển các dịch vụ trực tuyến, các dịch vụ đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh. Các chương trình ứng dụng quản lý dịch vụ Bưu phẩm, Bưu kiện, Chuyển tiền, Phát hành báo chí, Tiết kiệm Bưu Điện, báo cáo nhanh... góp phần quan trọng trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển các dịch vụ.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp, bạn hàng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Gần 50 bản cam kết, thỏa thuận hợp tác trong 5 năm qua là thể hiện sinh động của quá trình liên kết và mở rộng hợp tác của Bưu chính Việt Nam.

Nhìn lại cách đây 5 năm, theo Tổng giám đốc VietnamPost Đỗ Ngọc Bình, ở thời điểm thực hiện chia tách, có một số vấn đề mà VNPT và VietnamPost phải đối mặt như: Phải giúp CBNV ổn định tư tưởng và nhận thức đúng về vấn đề chia tách sau hơn 60 năm “sống chung”; Phải giải được bài toán về trình độ và chất lượng của nguồn lực bưu chính, đồng thời thay đổi được tư duy và giúp CBNV làm quen với phươgn thức kinh doanh mới;  Làm sao để giảm được chi phí trong khi mạng lưới bưu chính công cộng rộng khắp cả nước, lớn, xuống tận xã… Bên cạnh những vấn đề phải đối mặt thì tại thời điểm đó cũng có nhiều thuận lợi và cơ hội để bưu chính phát triển. Điển hình như Luật Bưu chính ra đời và quyết định 65 được ban hành sau đó đã làm rõ thế nào là vấn đề công ích và kinh doanh, các quy định về dịch vụ giành riêng, các cam kết trong WTO cũng đã được hoạch định rõ ràng về lộ trình và thời gian mở cửa thị trường. Đây chính là hành lang pháp lý để TCT hoạt động. Bên cạnh đó, tiềm năng và ưu thế của mạng lưới rộng khắp cũng là thế mạnh để bưu chính phát triển dịch vụ mới, tăng doanh thu bù đắp chi phí cho mạng lưới.

“Năm 2008, tuy tách ra độc lập nhưng VietnamPost vẫn nằm trong vòng tay Tập đoàn VNPT. 5 năm là thời kỳ chuyển đổi, với mục tiêu để bưu chính tập dượt cho thời điểm có thể độc lập hoàn toàn. Tập đoàn là cái nôi, là bà đỡ cho các hoạt động của VietnamPost trước khi ra ở riêng” - Tổng giám đốc VietnamPost Đỗ Ngọc Bình chia sẻ.

Hướng tới “đích”: doanh số 3.000 tỷ vào năm 2020

Để triển khai chiến lược phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, những công việc mà VietnamPost đang và sẽ phải thực hiện còn nhiều bộn bề. Trước hết, đó là cần chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu của Bưu chính Việt Nam đồng bộ với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở nền tảng, giá trị cốt lõi của Tổng Công ty đã lựa chọn. Việc thúc đẩy, tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt chú trọng các dịch vụ "lõi" của bưu chính là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc tiếp tục nghiên cứu, tham gia với vai trò và chất lượng phục vụ ngày càng cao đối với các dịch vụ công của nhà nước. Tập trung các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển khách hàng lớn; coi trọng công tác tiếp thị, chăm sóc khách hàng; linh hoạt trong cơ chế quản lý giá cước dịch vụ cũng là những công việc không thể thiếu trong chiến lược phát triển của VietnamPost.

Chi trả lương hưu qua Bưu điện là một trong những dịch vụ mới của VietnamPost được xã hội đón nhận. Đây cũng là một trong số dịch vụ tài chính bưu điện nhiều tiềm năng

Bên cạnh đó, VietnamPost phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống CNTT, đẩy mạnh việc ứng dụng trong khai thác, phát triển kinh doanh các dịch vụ và công tác quản lý. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; nghiên cứu, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến trong các hoạt động của doanh nghiệp, tạo sự năng động, chủ động cho các đơn vị thành viên, đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát để hạn chế những sai sót, khuyết điểm trong quá trình phát triển; Triển khai đồng bộ các giải pháp thực thi tiết kiệm các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là tiết kiệm chi phí và vốn đầu tư. Nghiên cứu, tích cực ứng dụng kết quả nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ công tác sẽ được VietnamPost đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.

Nói về chiến lược phát triển VietnamPost trong những năm tiếp theo,  Tổng giám đốc VietnamPost Đỗ Ngọc Bình khẳng định, có thể khái quát là VietnamPost có 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là đảm bảo duy trì hoạt động mạng bưu chính công cộng và thực hiện các nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao. Thứ hai là, trên cơ sở nền tảng mạng này, thúc đẩy phát triển kinh doanh và làm cho mạng lưới này hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn. Qua đó dùng kinh doanh để bù lại phần nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao, để Nhà nước không phải bù đắp trực tiếp cho VietnamPost nữa.

Để phát triển lĩnh vực kinh doanh, ngôi nhà VietnamPost sẽ phát triển theo ba trụ cột chính. Trụ thứ nhất là mảng dịch cụ chuyển phát. Trụ thứ hai là mảng bán lẻ các dịch vụ tài chính: bán lẻ cho ngân hàng, thu hộ, chi hộ, trả lương hưu... Như vậy, bưu cục giao dịch bưu chính sẽ là điểm đến của nhiều khách hàng, với nhiều nhu cầu khác nhau. Thứ ba, mạng lưới bưu chính rộng khắp này sẽ trở thành kênh phân phối truyền thông hiệu quả của Nhà nước: ví dụ chương trình đưa thông tin về cơ sở.

“Nếu ba trụ cột này được hoạch định, xây dựng và thực hiện thì chúng tôi hy vọng từ nay đến 2015, VietnamPossẽ có lợi nhuận và đến 2020, doanh số sẽ đạt 3.000 tỷ”- Tổng giám đốc VietnamPost Đỗ Ngọc Bình nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Tổng công ty Bưu chính Việt Nam

Nguồn tin: vnpost.vn