Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trên Tem Bưu chính Việt Nam

Tại thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào hồi kết, với sự thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít trên toàn cầu, Phát xít Nhật cũng chịu thất bại trước phe đồng minh. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Ủy ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.

Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ, Hà Nội 

Ngày 16/8/1945, Đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương, tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám thành công giành chính quyền, lật đổ ách đô hộ của Thực dân Pháp xâm lược và Phát xít Nhật.

Ngày 17/8, ở Hà Nội, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường nhà hát thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong mít tinh này, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh, cán bộ Việt Minh đã diễn thuyết báo tin cho đồng bào biết quân phiệt Nhật đã đầu hàng và giới thiệu chủ trương đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật.

Sáng ngày 19/8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mít tinh.

Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca, đại biểu Ủy ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn.

Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám thành công, trưa ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong cuộc mít tinh của trên 50 vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận chào mừng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Từ đó, ngày 2/9 trở thành ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám là sự kiện vĩ đại trong lịch sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời.

Với vai trò như một công cụ tuyên truyền, ghi lại những dấu ấn lịch sử của dân tộc qua những mẫu tem nhỏ bé, tem Bưu chính Việt Nam đã ghi lại những hình ảnh kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc theo những mốc son kỷ niệm. Sự kiện kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 luôn là sự kiện quan trọng được đề cập nhiều trên tem Bưu chính Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, Cổng thông tin điện tử Bưu điện Việt Nam trân trọng giới thiệu những mẫu tem ghi lại sự kiện lịch sử trọng đại này qua các mốc thời gian kỷ niệm:

1. Bộ tem “Kỷ niệm 1 năm Cách mạng tháng Tám và ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (phát hành năm 1946). Bộ tem thể hiện hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh

2. Bộ tem “Kỷ niệm lần thứ 12 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (phát hành năm 1957), thể hiện hình ảnh Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

3. Bộ tem “Kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng Tám” (phát hành năm 1958), thể hiện hình ảnh chiếm phủ khâm sai

4. Bộ tem “Kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước” (phát hành năm 1960)

5. Bộ tem “Kỷ niệm 20 năm Cách mạng tháng Tám” (phát hành năm 1965)

6. Bộ tem “Kỷ niệm 30 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (phát hành năm 1975)

 

7. Bộ tem “Kỷ niệm 35 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam” (phát hành năm 1980)

8. Bộ tem “Kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” (phát hành năm 1985)

 

9. Bộ tem “Kỷ niệm những ngày lịch sử” (phát hành năm 1987), thể hiện các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc qua 4 mẫu tem: Cách mạng tháng Tám 19/8/1945 - Quốc khánh 2/9/1945 - Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 - Chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975

10. Bộ tem “Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam” (phát hành năm 1990)

 

11. Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” (phát hành năm 1995), ghi lại một cách cô đọng những thành tựu đất nước ta đã đạt được sau 50 năm giành độc lập, gắn liền với một số sự kiện lịch sử

12. Bộ tem “Việt Nam với thế kỷ 20” (phát hành năm 2000), thể hiện một trong những sự kiện lịch sử của dân tộc: Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

13. Bộ tem “Kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám” (phát hành năm 2005)

Tác giả bài viết: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Nguồn tin: vnpost.vn