11:27 ICT Thứ năm, 25/04/2024

Sàn giao dịch Thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam https://postmart.vn

Bưu điện Việt Nam với chiến dịch 56 ngày đêm Điện Biên Phủ (tiếp)

Thứ ba - 22/04/2014 15:33
Ngành Bưu điện vốn có bề dầy lịch sử rất đáng tự hào, gắn liền với lịch sử của Đảng, của dân tộc. trong suốt quá trình cách mạng và kháng chiến, thông tin bưu điện luôn có mặt như một lực lượng mũi nhọn phục vụ sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, trong xây dựng và phát triển kinh tế, phục vụ sự giao lưu tình cảm, văn hóa của nhân dân.

Cơ quan làm việc của Đội Giao thông đặc biệt thuộc Ban Giao thông liên lạc Trung ương ở An toàn khu

Kỳ II: Những ngày đêm của cuộc tổng công kích

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 của Bộ Chính trị là đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước, ngày 27 tháng giêng năm 1954, quân ta tiến công địch ở Tây Nguyên. 

Bảy ngày trước đó, ngày 20/1/1954 địch đã huy động 6 binh đoàn cơ động, có thủy quân, không quân yểm trợ, tiến công vào Phú Yên, mở đầu đợt thứ nhất của chiến dịch Atlanta nhằm chiếm đóng toàn bộ vùng tự do ta ở Liên khu V.

Liên khu ủy Liên khu V do đồng chí Nguyễn Chánh - Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư, đã kiên quyết chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, mạnh dạn đưa bộ đội chủ lực lên Tây Nguyên đánh địch.

Phối hợp với bộ đội chính qui đánh địch, các đội xây dựng cơ sở ở Đại Ninh, Di Linh, B’Lao của tỉnh Lâm Đồng mở rộng địa bàn hoạt động. Các đội giao thông liên lạc được tăng cường thêm về số lượng, trang bị vũ khí, thành lập thêm 4 đội đứng chân trên các địa bàn: Chi Lai, Chiến Thắng, Mang Yên và Nước Sông. Quân đội ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, nối liền với vùng giải phóng phía tây Bình Thuận.

Giao thông viên Bưu điện vùng tự do lên đường phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ
vào những năm 1953 - 1954

Tình hình mới, có nhiều thuận lợi. Địa bàn hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang mở rộng. Để phục vụ cho yêu cầu mới, các đội xây dựng cơ sở và giao thông liên lạc chuyển lên hoạt động trong các buôn đồng bào dân tộc vùng Loan, Tà In. Từ cơ sở địa bàn được mở rộng, giao thông liên lạc được giao nhiệm vụ tăng cường thêm đầu mối. Giao thông liên lạc được bổ sung 20 người đã đặt cơ sở liên lạc hầu khắp các địa bàn mới được giải phóng, tổ chức chặt chẽ hơn. Từ huyện về đội công tác mỗi tuần một chuyến. Ngoài nhiệm vụ chuyển thư từ, công văn, đưa đón các đoàn cán bộ đi lại, anh em giao thông viên còn kết hợp làm nhiệm vụ vận tải lương thực, thuốc men cho các đội công tác và các xã căn cứ.

Tại Khánh Hòa để góp phần đánh bại một bước quan trọng lực lượng địch ở chiến trường Tây Nguyên, đồng thời đánh bại chiến dịch Atlanta của địch, Ty Bưu vận Khánh Hòa đã tập trung lực lượng phục vụ chi chiến dịch quan trọng này. Liên khu đã điều một tổ thông tin vô tuyến vào Khánh Hòa và Liên khu. Với chiếc đài 15W đóng ở gộp đá trên căn cứ Đồng Bà anh em điện báo viên đã theo dõi những chuyển biến hoạt động hàng ngày của địch trên sân bay Nha Trang để báo về Bộ chỉ huy chiến dịch.

Ở Bình Thuận sau khi chiến dịch được mở ra, lực lượng giao thông liên lạc đã triển khai theo sát từng đợt hoạt động, từng hướng tấn công.

Khi ở miền Tây quân dân ta giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và một phần đất huyện Di Linh và B’Lao của tỉnh Lân Đồng, ở đồng bằng ta tiêu diệt nhiều sinh lực của địch ở Lương Sơn, Duồng, tiểu khu Long Hương, đồn Sông Lũy, đồng sông Hinh mở ra một vùng giải phóng rộng lớn từ phía Bắc đến phía Nam thì Ty Bưu vận Bình Thuận đã kịp thời xây dựng các đường liên lạc mới, bảo đảm các đường Bưu điện liên tỉnh và các huyện hoạt động đều thông suốt.

Cuộc đấu tranh toàn diện, tấn công địch ở mặt trận sau lưng địch từ Nam Bộ, Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ đã tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, mở rộng thêm nhiều căn cứ du kích, căng địch ra khắp nơi và cùng với cuộc tiến công ở các mặt trận chiến diện cô lập địch, hơn nữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc kể cả những vùng lâu nay gặp khó khăn nhất, phục vụ đắc lực cho mọi công tác chuẩn bị để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Suốt 55 ngày đêm bị bộ đội ta bao vây, tiến công và xiết chặt vòng vây đối với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, quân đội ta tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm này, bắt sống tướng Đờ-cát-tơ-ri và toàn bộ Bộ chỉ huy của chúng. Trong chiến dịch, các chiến sĩ thông tin bưu điện trên khắp các ngả đường, trên làn sóng điện đài đều quyết tâm bảo vệ thông tin liên lạc.

Chiến công chấn động địa cầu từ Điện Biên Phủ đã đập tan hoan toàn ý đồ xâm lược của thực dân Pháp. Ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến trên toàn cõi Đông Dương đã được kí kết tại Hội nghị Giơ-ne-vơ… Sau 9 năm chiến tranh, hòa bình đã được lập lại trên đất nước ta.

Ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, quân ta tiến vào tiếp quản, giải phóng Hà Nội. trong nhịp khúc quân hành “Lớp lớp đoàn quân tiến về” ấy, có đội ngũ những người thông tin bưu điện tiến vào tiếp quản mạng thông tin Hà Nội, đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, giờ đây trở lại là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Cùng với sự nghiệp cách mạng chung trên đất nước ta, một giai đoạn mới của ngành Bưu điện được mở ra, giai đoạn kiến lập một mạng thông tin trong hòa bình để phục vụ cho yêu cầu khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội đấu tranh thống nhất đất nước

Trích: Lịch sử Bưu điện Việt Nam tập I.

 

 

Tác giả bài viết: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Nguồn tin: vnpost.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn