07:15 ICT Thứ tư, 24/04/2024

Sàn giao dịch Thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam https://postmart.vn

Ngành Bưu điện Việt Nam với chiến thắng lịch sử ĐiệnBiên Phủ

Thứ hai - 07/05/2012 07:30
Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân ta sôi nổi thi đua phấn đấu chào mừng kỷ niệm 58 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2012).

Lật giở lại những trang sử của Ngành Bưu Điện Việt Nam, mỗi cán bộ công nhân của ngành không khỏi xúc động, tự hào về những đóng góp của các thế hệ đi trước của ngành Bưu Điện với lịch sử giải phóng, bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã dũng cảm đứng lên đấu tranh, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc. Trong suốt giai đoạn lịch sử hào hùng đó, thông tin Bưu Điện luôn có mặt như một lực lượng mũi nhọn phục vụ sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, trong xây dựng và phát triển kinh tế, đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ - trấn động địa cầu. 

 

Ngày 15/8/1945, tại Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, Đảng ta đã quyết định thành lập “Ban Giao thông chuyên môn” - Tổ chức tiền thân của ngành Bưu Điện Việt Nam. Ngay từ khi mới được thành lập, Ban Giao thông chuyên môn đã nhanh chóng tổ chức hệ thống thông tin liên lạc để phục vụ cuộc Tổng khởi nghĩa, góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cũng từ đó, toàn bộ hệ thống Bưu Điện của thực dân Pháp hoàn toàn thuộc về chính quyền Cách mạng Việt Nam.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất của công tác Cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lựợng và do đó đảm bảo thắng lợi”, toàn bộ lực lượng thông tin Bưu Điện nhanh chóng chuyển hướng phục vụ kháng chiến, hệ thống bưu vận đảm nhiệm vận chuyển công văn, tài liệu, thư tín, đưa đón cán bộ; hệ thống đài vô tuyến điện được đặt từ Trung ương đến các khu vực, các tỉnh.

Cuối năm 1953, sau khi bị buộc phải phân tán lực lượng và liên tiếp thất bại trên khắp các chiến trường, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, buộc ta phải chấp nhận chiến đấu nếu muốn giải phóng Tây Bắc. Nhận định đây là một cơ hội lớn để tiêu diệt sinh lực địch, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Điên Biên Phủ. Trong thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngành Bưu Điện, một mặt chỉ đạo các Bưu Điện Liên khu Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V chuẩn bị người và các phương tiện thông tin liên lạc sẵn sàng phục vụ chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy địa phương để phối hợp với chiến trường chính, mặt khác tại cơ quan Bưu Điện Trung ương, các cán bộ chủ chốt đã được tập trung để triển khai mạng thông tin chiến dịch.

 Lù, gùi, thuổng và ống đựng nước giao thông viên dùng trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp được lưu giữ tại Phòng Truyền thống Bưu Điện Sơn La.          Chày giã gạo và ống đựng công văn, tài liệu được dùng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp được lưu giữ tại Phòng Truyền thống Bưu Điện Sơn La. 

 

Trên các ngả đường hướng vào chiến dịch đã diễn ra một không khí chuẩn bị khá gấp rút. Đường điện thoại từ chợ Chu đi vòng qua Tuyên Quang, Yên Bái - Phú Thọ đến Sơn La được tu bổ; đường điện thoại dọc theo quốc lộ 41 từ Thuận Châu – Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ được xây dựng. Ty Bưu Điện Thanh Hóa được giao nhiệm vụ phải nhanh chóng xây dựng đường dây dài hơn 60 km từ Hồi Xuân đi Vạn Mai, Suối Rút (Hòa Bình) để phục vụ cho việc chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch từ Trung ương đến tỉnh và trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn, dây và vật liệu thiếu nghiêm trọng, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt lại bị máy bay địch thường xuyên bắn phá, nhưng với tinh thần cố gắng vượt bậc, sáng tạo sử dụng các vật liệu có sẵn như dùng cổ chai thay sứ, dây thép gai, tháo gỡ dây đôi bọc ny lon… ngành Bưu Điện đã hoàn thành tốt xây dựng đường dây đúng kế hoạch. Trong thời gian này, khối lượng điện dồn tới rất lớn, điện điều động dân công, điện sửa đường, điện về chuyển tải lương thực, vũ khí dồn dập không ngớt, các điện thoại viên đã thay nhau túc trực suốt ngày đêm, đảm bảo truyền thông, không để bức điện nào quá chậm so với quy định.

Thời gian này, Bưu Điện khu Tây Bắc được thành lập, để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chiến dịch, Bưu Điện khu Tây Bắc đã xây dựng đường thư liên tỉnh Sơn La, Lai Châu dài khoảng 300 km, trên đường thư bố trí mỗi trạm cách nhau từ 30 đến 40 km gồm có các giao thông viên, thợ dây, điện thoại viên và một trưởng trạm. Đầu năm 1954, theo yêu cầu khẩn trương của tình thế, cơ quan Khu Bưu Điện Tây Bắc đã tổ chức và biệt phái một đoàn cán bộ công nhân gồm những người có sức khỏe tốt, lanh lợi, hăng hái, nghiệp vụ kỹ thuật khá để tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần phấn đấu quên mình, đội ngũ giao thông liên lạc vào chiến dịch đã đảm bảo thông tin thông suốt bằng tất cả các phương thức: đường thư, điện thoại, vô tuyến điện.
 

Giao thông Bưu Điện Thanh Hoá dùng đôi bồ chuyển công văn tài liệu và thư từ lên

chiến khu Việt Bắc.  
 

      Chuẩn bị công văn tài liệu gói bọc kín để cho giao thông viên lên đường. 
                                                                            

Trên các tuyến đường thư, không kể trời mưa nắng, bom đạn kẻ thù, cứ đến giờ là giao thông viên khởi hành, nếu có công văn hỏa tốc, dù ngày hay đêm đều chạy và chuyển tiếp với tinh thần khẩn cấp. Đặc biệt, những ngày giáp Tết Nguyên Đán năm Giáp Ngọ, chiến dịch đang nổ súng, báo Xuân, thư từ, quà tết như bánh chưng, thuốc lá, trà, mức, bánh kẹo… của đồng báo từ các tỉnh, kể cả những tỉnh ở sâu trong vùng địch hậu gửi tới mặt trận, đường thư Bưu Điện đã tiếp nhận và chuyển nhanh các loại quà tết này đến các chiến sĩ Điện Biên Phủ, bảo đảm an toàn, kịp thời là một niềm động viên lớn đối với các chiến sĩ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, dũng mãnh tấn công của quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngọn cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tung bay trên nóc hầm De Castrie ngày 07/5/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc chính quyền Pháp phải ký Hiệp định Geneva, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của nghệ thuật quân sự tài tình và sáng suốt của Đảng, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự chung sức chung lòng và quyết tâm của các giai cấp, tầng lớp trên đất nước Việt Nam. 

9 năm kháng chiến Chống Pháp là những năm thiếu thốn gian khổ, CBCNV ngành Bưu Điện đã góp phần đảm nhiệm công tác chuyển công văn, điện báo, đưa đón cán bộ, chống phá địch càn quét, phục vụ các chiến dịch thắng lợi. Lực lượng giao liên, bưu vận, thông tin hữu tuyến và vô tuyến điện, cộng với lòng trung thành, dũng cảm, ý thức tận tuỵ, sáng tạo đảm bảo thông tin liên lạc  thông suốt. Ngành Bưu Điện đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Ngành Bưu Điện đã có những trang sử rất đáng trân trọng và tự hào. Truyền thống, sự hy sinh của các thế hệ đi trước là những bài học vô cùng quý giá để đội ngũ  lao động ngày nay rèn luyện bản lĩnh, vững vàng trước thử thách, khó khăn, để ngành Bưu Điện Việt Nam tiếp tục có những đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tác giả bài viết: Bưu điện tỉnh Điện Biên

Nguồn tin: vnpost.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn